“Xa hoa” đang dịch chuyển từ “sở hữu và trưng bày nhiều thứ đắt giá, nổi bật giữa đám đông” sang “sở hữu trải nghiệm độc đáo, được đến những nơi thú vị, nhìn thấy những điều ít người biết, thoát khỏi đám đông”.
Khung cửa khổng lồ vượt khổ độ, những chùm đèn Overside màu đỏ son đậm, những dãy bàn ghế French-Indochine với gam màu táo bạo sắp đặt trong sảnh chính, mái bạt sọc xanh của các hàng quán lề đường che hiên khu nhà hàng với trần thiết kế gợi nhớ các khung nhà cổ thời Đông Dương, và các đèn chiếu sáng mô phỏng đèn huỳnh quang khu lounge kết hợp với những bộ khung tủ cao chót vót đầy ắp những cuộn vải màu sắc cùng manocanh và những bản phác thảo như trong một học viện thời trang cổ. Đó chính những điều gây bất ngờ với du khách quốc tế khi đến khách sạn Hotel de la Coupole tại SAPA sắp khai trương. Sự khác biệt nằm ở “local experiences, unique design, and intimate service”, nghĩa là: chú trọng trải nghiệm địa phương, có thiết kế độc đáo, và thỏa mãn nhu cầu riêng của từng cá nhân.
Một xu hướng tôi nhận thấy trong quá trình tư vấn cho các hãng khách sạn là xu hướng boutique kết hợp thiết kế độc đáo và dịch vụ đẳng cấp. Điều đó phần nào thể hiện quan niệm về sự giàu có và thịnh vượng đã thay đổi nhanh chóng trong 10 năm gần đây, giàu có và thịnh vượng ban đầu là nhu cầu tạo sự khác biệt, nổi bật với đám đông, phô trương, thừa mứa, từ từ dịch chuyển sang coi trọng trải nghiệm của cá nhân. Đó chính là lý do thay vì sử dụng những vật liệu xa hoa lộng lẫy gây cảm giác choáng ngợp, các thiết kế khách sạn hiện nay thiên về các thiết kế mang lại cảm xúc được tạo ra từ văn hóa bản địa.
Cách đây 10-15 năm, việc sở hữu những sản phẩm hào nhoáng hàng hiệu là biểu hiện của xa hoa; nhưng ngày nay những khách hàng giàu có lại thích những sản phẩm với thiết kế ít phô trương. Trong chiếu sáng cũng thế, nếu trước đây, chủ đầu tư thích sảnh khách sạn sáng lộng lẫy với nhiều đèn chùm pha lê, thì gần đây các khách sạn xa hoa sang trọng lại sử dụng những sản phẩm địa phương nhiều hơn như đèn lồng đan bằng tre bọc vải có họa tiết bản địa. Ánh sáng các khu công cộng cũng chỉ vừa phải, vừa đủ: chiếu sáng thành từng cụm theo khu vực, vừa tạo sự hấp dẫn vừa phục vụ tối ưu nhu cầu từng cá nhân, dù khách là doanh nhân đi công tác đang bàn việc trong khu lounge, hay cặp vợ chồng trẻ thành đạt đang trong kỳ trăng mật lãng mạn. Các thiết kế vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng, vừa được cá nhân hóa để tôn tạo cảm xúc, bằng cách mang vào những yếu tố bản địa, văn hóa địa phương, xử lý ánh sáng có xu hướng “sân khấu hóa” với các thủ thuật tạo chiều sâu, kịch tính. Sự dịch chuyển quan niệm và nhu cầu về “sang trọng, xa hoa” tại những công trình nghỉ dưỡng gần đây ở Việt Nam cho thấy sự tiệm cận với xu hướng của thế giới.
Cảm ơn Hotel de la Coupole, MGallery by Sofitel đã đón tiếp nhiệt tình và đem tới cho tôi những trải nghiệm đẳng cấp “xa hoa” độc đáo không thể nào quên.