CÔNG TRÌNH XANH
- Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác
- Giảm thiểu phát thải, ô nhiễm và những tác động tiêu cực tới môi trường
- Đảm bảo sức khoẻ và tối ưu năng suất làm việc của người sử dụng công trình
- Giảm chi phí vận hành trong suốt vòng đời công trình
Một số mục tiêu cụ thể của CÔNG TRÌNH XANH:
- tiếp cận thông minh về năng lượng
Công trình xanh khuyến khích việc lập kế hoạch và mục tiêu về sử dụng năng lượng ngay từ khi khởi đầu dự án, tận dụng những thế mạnh của khu vực công trình và điều kiện khí hậu nhằm giảm thiểu nhu cầu sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng; kết hợp thiết kế cảnh quan trong chắn nắng, chắn gió; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tích hợp giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo; v.v.
- bảo vệ tài nguyên nước
Công trình xanh hướng tới giảm thiểu mức tiêu thụ nước, đồng thời đảm bảo chất lượng nước nhờ các thiết bị sử dụng nước hiệu quả. Một số giải pháp tiên tiến như thu nước mưa, tái chế – tái sử dụng nước, v.v… cũng thường được áp dụng.
- giảm thiểu chất thải và ô nhiễm
Việc giảm thiểu phát thải đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ xuyên suốt quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình. Công trình xanh giúp hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường thông qua chiến lược 3R (Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế). Ví dụ, khi giảm diện tích không thấm nước, công trình có thể góp phần giảm lượng nước mưa chảy tràn và nhiệt độ bề mặt cảnh quan. Chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội tái sử dụng những kết cấu có sẵn hay tái chế, tái sử dụng vật liệu trong khu vực công trình.
- đảm bảo sức khoẻ và tiện nghi của người sử dụng công trình
Việc cấp đủ khí tươi cho các không gian bên trong công trình nhờ thông gió hiệu quả giúp đảm bảo chất lượng không khí tốt, ngăn ngừa sự tích tụ các hóa chất độc hại từ các loại vật liệu và quá trình vận hành các thiết bị.
Công trình xanh khuyến khích áp dụng rộng rãi giải pháp chiếu sáng tự nhiên nhằm đáp ứng yêu cầu chiếu sáng không gian, tạo tầm nhìn tốt đồng thời giảm thiểu đáng kể chi phí cho chiếu sáng nhân tạo.
Công trình xanh là dạng thiết kế “hấp dẫn cả về thị giác và thính giác”. Trên thực tế, trong thiết kế công trình trường học, bệnh viện, nhà ở và văn phòng, môi trường âm thanh và yêu cầu cách âm đóng vai trò qua trọng trong kiến tạo một không gian tốt cho việc tập trung, làm việc hiệu quả cũng như nghỉ ngơi tại nhà.
Công trình xanh khuyến khích sử dụng giải pháp làm mát thụ động thông qua chắn nắng và thông gió phù hợp, hoặc thậm chí đơn giản như việc thiết kế – lắp đặt hiệu quả các thiết bị như quạt trần.
- giữ gìn cảnh quan xanh
Công trình xanh yêu cầu sự lưu tâm đặc biệt tới lựa chọn vị trí xây dựng, bảo tồn thảm thực vật hiện hữu, đồng thời bổ sung các mảng xanh trong thiết kế công trình. Thảm thực vật có thể góp phần giảm thiểu nhu cầu sưởi ấm và làm mát, lọc sạch không khí, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt cũng như có lợi ích khác.
- kết nối cộng đồng
Ngay từ đầu giai đoạn thiết kế, công trình xanh lưu tâm đến khoảng cách giữa nhà ở và nơi làm việc của người sử dụng công trình cũng như tới những dịch vụ tiện ích khác nhằm giảm thiểu tác động môi trường của phương tiện giao thông cá nhân và lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường. Công trình xanh khuyến khuyến khích việc sử dụng những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp và một số giải pháp giao thông xanh khác.
- tối ưu chi phí trong toàn bộ vòng đời công trình
Công trình xanh có sự tính toán đến chi phí trong toàn bộ vòng đời của công trình, trong khi công trình thông thường chỉ tập trung vào chi phí thiết kế và xây dựng ban đầu.
CHỨNG NHẬN CÔNG TRÌNH XANH
CÁC HỆ THỐNG CHỨNG NHẬN CÔNG TRÌNH XANH
Năm 1990, BREEAM, một trong những hệ thống Chứng nhận Công trình xanh đầu tiên trên thế giới, được công bố tại Anh. BREEAM sau đó đã được Chính phủ Anh sử dụng làm tiêu chuẩn cho các công trình xây dựng bằng vốn nhà nước, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, thúc đẩy toàn thị trường xây dựng đi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Tiếp nối kinh nghiệm của BREEAM, nhiều hệ thống chứng nhận đã lần lượt được phát triển và áp dụng tại nhiều quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương:
- Năm 1998, phiên bản đầu tiên của LEED được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) công bố tại Mỹ.
- Năm 2002, Hội đồng Công trình xanh Australia (GBCA) giới thiệu Hệ thống Chứng nhận Green Star.
- Năm 2005, Cơ quan Quản lý Xây dựng – Building and Construction Authority (BCA) của Singapore giới thiệu hệ thống Chứng nhận Green Mark.
- Năm 2010, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) công bố Hệ thống Chứng nhận LOTUS, hệ thống chứng nhận công trình xanh đầu tiên tích hợp những quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, điều kiện khí hậu và thực tiễn ngành xây dựng của Việt Nam.
Tại hầu hết các thị trường, các hệ thống chứng nhận công trình xanh đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thay đổi, dẫn dắt thị trường xây dựng theo hướng xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Cụ thể:
- Nhà nước sử dụng chúng trong các chính sách khuyến khích công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, xây dựng bền vững (bên cạnh các quy chuẩn bắt buộc)
- Chủ đầu tư sử dụng chúng khi lập kế hoạch đầu tư, đặt ra các mục tiêu về môi trường khi phát triển dự án.
- Các đội dự án sử dụng chúng để tích hợp một cách hiệu quả các giải pháp xanh vào thiết kế, xây dựng và vận hành công trình.
- Thị trường và khách hàng sử dụng chúng như một chỉ dẫn độc lập về tính minh bạch, trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư và các lợi ích về môi trường, kinh tế và sức khỏe mà mình sử dụng.
NHẬN THỨC RÕ MỤC TIÊU
Chủ đầu tư cần am hiểu toàn diện về nguyên nhân và lợi ích của việc áp dụng Chứng nhận xanh cho dự án. Trong đó, một số động lực tiêu biểu bao gồm:
- Giảm thiểu chi phí vận hành và duy tu công trình
- Đảm bảo sức khoẻ của người sử dụng công trình
- Bảo vệ môi trường
- Tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường
- Chính sách bắt buộc của doanh nghiệp
LỰA CHỌN HỆ THỐNG CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU
Nhìn chung, dự án nên lựa chọn một hệ thống chứng nhận đáp ứng được nhu cầu đặt ra, với sự tính toán về mức độ phức tạp, chi phí và lợi ích của chứng nhận. Dự án cần tìm hiểu các tiêu chí, yêu cầu của mỗi loại chứng nhận để đánh giá được khả năng thực hiện và mức chứng nhận có thể đạt được trong phạm vi suất đầu tư của dự án.
Hai hệ thống chứng nhận công trình xanh được áp dụng phổ biến nhất tại Việt Nam là LEED (do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ phát triển) và LOTUS (do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam phát triển). Hai hệ thống có rất nhiều sự khác biệt về độ phức tạp, định mức cơ sở và chi phí thực hiện.
CHI PHÍ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH XANH
Chi phí đầu tư ban đầu cao hơn thường là nguyên nhân chính khiến chủ đầu tư không thực hiện xây dựng xanh. Thời điểm Chứng nhận LEED mới được áp dụng, việc chủ đầu tư chưa hiểu rõ yêu cầu cũng như thiếu kinh nghiệm thực hiện khiến chi phí xây dựng một công trình đạt Chứng nhận LEED gia tăng đáng kể, cao hơn khoảng 15-25% so với công trình thông thường. Phần chi phí phụ trội tăng cao một phần cũng do các đội dự án vẫn triển khai dự án theo phương pháp truyền thống.
Ngày nay, khi thị thường công trình xanh đạt độ “chín”, các sản phẩm và công nghệ xanh trở nên sẵn có với mức giá phải chăng hơn, nhiều nghiên cứu đã cho thấy chi phí xây dựng xanh không còn đáng quan ngại như trước nữa.